Những bộ trang phục dân tộc đã được nhân dân sáng tạo và giữ gìn trong suốt nhiều thế kỷ.
Trang phục của dân tộc Nga có một lịch sử rất phong phú. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời nước Nga cổ đại đến đầu thế kỷ XVIII, bộ trang phục đã có những thay đổi lớn về hình dáng cơ bản của nó. Thế kỷ XVIII trở thành cái mốc đánh dấu sự khác biệt trong trang phục. Đây là thời kỳ của những cải tổ trong kinh tế – xã hội và văn hóa ở nước Nga.
Nó được đánh dấu bởi những thi hành pháp luật của Petr I nhằm điều hòa những môi trường khác nhau trong xã hội và tiến hành những thay đổi cơ bản. Cuộc cải cách đã thay đổi cuộc sống ở nước Nga một cách sâu rộng, trong đó có cả trang phục. Từ thế kỷ XVIII trang phục tại nước Nga theo hai xu hướng:
Trang phục của các nhà quý tộc theo hướng của phương Tây,
Trang phục của người dân bình thường thì theo truyền thống.
Trang phục truyền thống của người nông dân không chịu ảnh hưởng của luật pháp chính thức, bởi vậy vẫn bảo tồn được cho đến thế kỷ XX. Bộ trang phục vẫn giữ được vẻ cân đối và nét đặc biệt của nó. Theo quan niệm của người nông dân, bộ trang phục cũng thú vị như dân tộc Nga. Nó tập trung những nét đặc trưng nhất trong bộ trang phục cổ của Nga: cách cắt may, cách trang trí cùng phong cách thêu. Bộ trang phục truyền thống đặc trưng bởi đường cắt thẳng tự nhiên, độ dài của trang phục, ống tay lớn và rộng, có nhiều lớp với sự kết hợp màu sắc tương phản của các phần trong trang phục, sự đa dạng về họa tiết và trang trí.
Trang phục của phụ nữ
Trang phục của người nông dân theo những nguyên tắc chung về đường cắt, họa tiết nhưng không giống nhau về hình dáng. Nó khác bởi sự đa dạng trong cả bộ trang phục ở từng vùng địa lý và lịch sử – văn hóa cụ thể. Đặc biệt là đối với bộ trang phục của phụ nữ. Các nhà dân tộc học đã chia ra làm 4 loại cơ bản trang phục trên lãnh thổ nước Nga:
• với váy poneva,
• với váy sarafan,
• với váy andarak,
• với váy kubelek.
Hai bộ đầu tiên thường đươc mặc trên phần lớn vùng châu Âu và châu Á của nước Nga.
Bộ trang phục với váy poneva bao gồm có áo cánh, thắt lưng, chiếc váy poneva, yếm đằng trước, khăn đội đầu dạng con chim ác là, trang sức bằng lông chim và hạt cườm, giày được bện từ vỏ cây hoặc bằng da. Đây là trang phục có ở các tỉnh phía Nam phần châu Âu: Voronezh, Kaluzh, Kursk, Ryazan, Tambov, Tul, Orlov, một phần của Smolen.
Bộ trang phục với váy sarafan gồm có áo cánh, váy sarafan, khăn bịt đầu kiểu kokoshnik, mũ dushegrei, giày chủ yếu là bằng da. Chúng có ở phần châu Âu của nước Nga – các tỉnh Povolzhe, trên dãy Ural, tại Sibir, trên dãy Altai. Nó còn xuất hiện trong trang phục ở Arkhalgelsk, Vologod, Novgorod, Olonets.
Trang phục với váy kubilek đặc trưng cho các trang phục của người Kazak và một phần ở Bắc Kavkaz. Nó là chiếc váy may thắt ở eo, mặc phía trên là áo với ống tay rộng. Váy mặc cùng với quần dài và chít khăn trên đầu.
Bộ trang phục váy andarak gồm áo cánh, váy, áo nâng ngực, tấm thắt lưng lớn, khăn bịt đầu kiểu kokoshnik. Chúng có mặt tại Ryazan, Orlov, Kursk, Tambov.
Trang phục cho nam giới
Trang phục cho đàn ông Slavơ nói chung đều giống nhau. Nó bao gồm có áo dài thắt ngang lưng, quần không quá rộng, giày da hoặc bện bằng vỏ cây, mũ có hoặc không có vành. Như một nguyên tắc, áo buông đến cạp quần thì thắt lại.
Tuy nhiên nó có những đặc trưng riêng của từng vùng.
Ví dụ, tại các làng ở ven bờ Bạch hải, đàn ông mặc áo dệt từ lông thú. Áo được nhét vào trong quần như một số dân tộc tại các vùng khác phía Bắc nước Nga. Tại một số làng ở miền Nam, trang phục của nam giới còn có cả áo gilet. Tại vùng Altai, đàn ông thích trang trí chiếc mũ của mình bằng những dải ruy băng hay những bông hoa giả. Ở những tỉnh thuộc trung tâm phần châu Âu của Nga, người ta cũng trang trí cho chiếc mũ bằng lông của các loại len mềm hay những chiếc vòng.
Trang phục của nam giới và phụ nữ được làm từ lanh, vải gai, lông thú, vải pha len của nhà làm, cũng như các sản phẩm của nhà máy như lụa, lông thú, vải sợi bông, gấm. Trang phục truyền thống có những chức năng nhất định. Nó được chia ra làm trang phục lễ hội, nghi lễ, thường ngày và để làm việc. Trang phục lễ hội được may bằng những loại vải đắt tiền. Tất cả những phụ kiện của trang phục, chiếc khăn bịt đầu, giày được trang trí công phu.Trang phục thường ngày thường đơn giản, trang trí sơ sài và được may từ những loại vải rẻ tiền. Trang phục nghi lễ dành để may trong thời gian diễn ra nghi lễ.
Bên cạnh việc giữ gìn hình dáng truyền thống, bộ trang phục dân gian đã không ngừng biến đổi. Sự phát triển của công nghiệp và thời trang thành thị ảnh hưởng mạnh tới lối sống xưa ở nông thôn và đời sống của nông dân cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ngày nay, những đường cắt, những họa tiết của bộ trang phục truyền thống là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho những tìm tòi mẫu thiết kế mới. Nó là dành cho những người đam mê đích thực những sáng tạo dân gian.