Vào những năm 90 của thế kỷ XIX A.Mamontova đã đem về từ Nhật Bản hình ảnh một cụ già hói đầu, tốt bụng – nhà thông thái, bổ sung vào kho tàng đồ chơi cho trẻ con Matxcơva.
Thứ đồ chơi này khá đặc biệt, nó bao gồm nhiều con búp bê lồng vào nhau. Khi đó, người thợ tiện gỗ Vasily Zvezdochkin đang làm việc trong xưởng thủ công đã tiện từ gỗ những thân hình giống nhau, hình này đặt bên trong hình kia, còn họa sĩ Sergey Malyutin vẽ lên đó các hình vẽ miêu tả con người.
Búp bê Matrioshka đầu tiên là hình ảnh một cô gái trong trang phục dân tộc truyền thống: áo xa – ra – phan, yếm và khăn trùm đầu. Thứ đồ chơi này có khoảng 8 búp bê trở nên. Hình tượng các búp bê gái được lần lượt thay đổi từ búp bê bé trai để phân biệt với nhau. Con búp bê trong cùng nhỏ nhất là hình ảnh một đứa trẻ quấn tã. Tên gọi Matrena thời đó đã được rất nhiều người biết đến. Cái tên Matrioshka cũng bắt nguồn từ đó.
Ngày nay, chỉ có những đồ chơi – đồ lưu niệm bằng gỗ được tiện, vẽ bao gồm nhiều mẫu lớn nhỏ lồng vào nhau mới được gọi là búp bê Matrioshka. Những đồ chơi không lồng được vào nhau chỉ đơn giản là “đồ chơi tiện”.
Đầu những năm 1900, xưởng mỹ nghệ “Giáo dục trẻ thơ” được mở, nhưng xưởng mỹ nghệ chuyên sản xuất búp bê Matrioshka lại nằm tại vùng Sergiev Posad, cách Thủ đô Matxcơva 70 km về phía Bắc.
Những con búp bê Matrioshka đầu tiên được bán với giá khá đắt nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người mua và một số lượng lớn đơn đặt hàng. Việc sản xuất búp bê Matrioshka nhanh chóng được mở ra khắp vùng Sergiev Posad, xưởng thủ công của các dòng họ Ivanov, Bogoyavlensky lần lượt xuất hiện. Sau đó, nghệ nhân Vasily Zvezdochkin cũng chuyển tới đây lập nghiệp.
Xung quanh Sergiev Posad là những khu rừng, còn ngay tại vùng này có rất nhiều thợ tiện gỗ giàu kinh nghiệm. Sản xuất búp bê Matrioshka đã trở nên phổ biến và rộng khắp tới mức còn có cả các đơn đặt hàng sản xuất từ Paris, Đức, tại hội chợ Leipzig nổi tiếng.
Đầu thế kỷ XX búp bê Matrioshka được xuất khẩu đại trà ra nước ngoài. Các hình vẽ trên búp bê Matrioshka cũng đẹp hơn, đa dạng hơn. Những con búp bê chủ yếu miêu tả hình ảnh các cô gái mặc áo xa – ra – phan, quàng khăn, cầm chiếc giỏ đựng đầy hoa trên tay.
Những con búp bê với đủ những hình tượng mới xuất hiện, đó là hình ảnh chú bé mục đồng với cây sáo, ông cụ râu ria bạc trắng tay cầm cây gậy lớn, chú rể hào hoa với hàng ria mép và cô dâu trong trang phục váy cưới. Trí tưởng tượng của các hoạ sĩ hết sức phong phú, không bị hạn chế. Những con búp bê Matrioshka được bố trí theo nguyên tắc khác nhau để đáp ứng mục đích của mình – làm quà tặng.
Như vậy, bên trong búp bê Matrioshka “Cô dâu, chú rể” có đủ chỗ chứa cả những người họ hàng. Những con Matrioshka phản ánh chủ đề này thường được hoàn thành đúng vào những ngày nhất định.
Ngoài hệ đề tài gia đình, búp bê Matrioshka còn được tính toán trên những mức độ thông thái và trình độ học vấn nhất định. Như nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn N.V.Gogol những con búp bê Matrioshka miêu tả các nhân vật trong các tác phẩm của ông đã ra mắt đông đảo công chúng: đó là các nhân vật trong vở hài kịch “Viên thanh tra” (Khlestakov, cư dân thành phố, quan toà, ông Giám đốc bưu điện cùng nhiều nhân vật khác).
Năm 1912, nhân dịp kỷ niệm 100 năm trận đánh Borodino, những búp bê mang hình tượng Kutuzov và Napoleon cũng đã được hoàn tất. Bên trong những con búp bê này là những hình ảnh nhỏ dần của các chiến hữu, thành viên ban tham mưu của hai vị tướng tài ba cùng những người tham dự trận chiến lịch sử này. Còn rất nhiều những búp bê thể hiện các nghi thức cũng như các tác phẩm văn học dân gian.
Đầu thế kỷ XX, tại Sergiev Posad, những con búp bê Matrioshka có tới 24 con lồng vào nhau, đến năm 1913 người thợ tiện Nikolai Bulychev đã phá kỷ lục với số lượng búp bê là 48. Ngay trong năm nay, tại Sergiev Posad, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi đã được thành lập mang lại số lượng thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Búp bê Matrioshka được truyền bá rộng rãi, đã bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất vượt ra ngoài biên giới Sergiev Posad – tới vùng Semenovsky thuộc tỉnh Nizhegorod.
Búp bê tại vùng mới này có nét giống, có nét hoàn toàn khác với búp bê tại Sergeev Pasad. Nếu tại Sergiev Posad, búp bê Matrioshka mũm mĩm và tròn trịa, đầy đặn thì tại các xưởng thủ công Semenovsky có thân hình cân đối và thon thả hơn, miêu tả hình ảnh người thiếu nữ đẹp, hoạt bát.
Đồng thời, hình tượng con lật đật cũng bắt nguồn từ loại búp bê này. Năm 1958, con lật đật đầu tiên làm từ gỗ – giấy xuất hiện tại Viện nghiên cứu – khoa học tại Sergiev Posad. Thứ đồ chơi có khả năng phát ra âm thanh đã được sản xuất theo công nghệ mới bằng cách ép nóng. Tác giả của công nghệ này là nghệ nhân Ivan Moshkin. Bên trong là một vật nặng bằng kim loại, vật này giúp cho con lật đật không bị ngã và nhanh chóng lấy lại trạng thái cân bằng.
Nhắc tới búp bê Matrioshka, chúng ta không thể không nhắc tới Bảo tàng đồ chơi tại Sergiev Posad. Bảo tàng này cách bến xe, tại toà nhà hai tầng cổ kính 7 phút đi bộ. Các bạn nhỏ và cả những người trưởng thành từ khắp mọi miền Tổ quốc tới đây để được tận mắt ngắm nhìn những thứ đồ chơi từ cổ tới kim. Cùng với một số lượng lớn các hiện vật khác, tại đây giới thiệu tới người xem toàn bộ những bộ sưu tập búp bê Matrioshka hết sức độc đáo. Trong số đó có cả con Matrioshka đầu tiên do đích thân hoạ sĩ nổi tiếng S.V.Malyutiny vẽ. Tới đây bạn còn có thể làm quen với nhiều trường phái vẽ khác nhau: serfievo – posadsky, semenovsky, polkhov – maidansky…
Mới đây tại Thủ đô Matxcơva Bảo tàng trưng bày búp bê Matrioshka cũng đã được mở.