Chiến hạm Rạng Đông là một tàu tuần dương - một biểu tượng của cuộc Cách mạng tháng mười Nga khi nổ phát súng ra hiệu cho cuộc tấn công cuối cùng vào Cung điện Mùa Đông tại Petrograd vào ngày 7 tháng 11 năm 1917. Ngày nay nó được bảo tồn và hoạt động như một tàu bảo tàng tại Saint Petersburg.
Lịch sử gắn liền với Chiến hạm Rạng Đông
Tàu được đóng tại nhà máy ở St Petersburg. Con tàu được hạ thủy tại cảng sông Neva vào ngày 11-5-1900. Sau đó Rạng Đông cùng hai tàu tuần dương khác cùng lớp Pallada đã được điều động để bảo vệ vùng Viễn Đông Nga, bên bờ Thái Bình Dương từ năm 1903 đến 1905.
Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, tàu thậm chí được sử dụng như lá chắn cho các tàu tốc độ chậm của Hải quân Nga thời bấy giờ. Đến Chiến tranh thế giới I, con tàu được lệnh quay về vùng biển Baltic và tham gia chiến đấu tích cực bảo vệ nước Nga.
Đến cuối năm 1916, con tàu di chuyển đến Saint Petersburg để sửa chữa. Cùng lúc ấy, ở thành phố lịch sử của nước Nga đang tràn ngập không khí cách mạng. Và không lâu sau đó, một bộ phận không nhỏ thủy thủ của con tàu đã quyết định tham gia Cách mạng Tháng Hai Nga (1917) để lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của Sa hoàng Nikolai II và vương triều Romanov trị vì hơn 300 năm ở nước Nga.
Một thời gian sau, một ủy ban cách mạng được thành lập trên tàu, và ông Aleksandr Belyshev được bầu làm thuyền trưởng. Hầu hết thủy thủ đoàn đã tham gia đảng Bolshevik, chuẩn bị cho cuộc cách mạng của những người cộng sản.
Ngày 25-10-1917, khi thời cơ đến, khẩu pháo trước mũi tàu đã từ từ quay thẳng nòng về phía Cung điện Mùa Đông rồi nổ một tiếng rền vang báo hiệu tiến công lật đổ chế độ tư sản.
Khi được hạ thủy, Tuần dương hạm Rạng Đông dài 127m, rộng gần 17m. Nó được trang bị động cơ hơi nước với công suất lên tới 11.610 mã lực và có thể hoạt động hơn 7000km - cực kì hiện đại so với các tàu chiến cùng thời. Về vũ trang, ban đầu tàu được trang bị 8 ụ pháo 152mm, 24 ụ pháo 75mm cùng 3 ống phóng ngư lôi. Tới năm 1917, tàu được nâng cấp thêm 6 ụ pháo 152mm và lắp thêm 4 hệ thống pháo phòng không.
Sau Cách mạng Tháng Mười, tàu nằm ở bờ một thời gian ngắn. Tới năm 1922, tàu hoạt động trở lại với vai trò tàu huấn luyện của Hạm đội Baltic và thực hiện nhiều chuyến viếng thăm các cảng nước ngoài. Hiện nay, chiến hạm Rạng Đông neo đậu cách Cung điện Mùa Đông chỉ vài trăm mét.
Ngày 2-11-1927, tàu được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, vào năm 1941, chiến hạm Rạng Đông và thủy thủ đoàn tích cực tham gia bảo vệ Leningrad. Tàu được cho neo đậu tại cảng Oranienbaum thuộc thị trấn Lomonosov, liên tục bị bắn pháo và ném bom. Ngày 30-9-1941, tàu bị thủng, ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu.
Từ năm 1944, tàu Rạng Đông được trục vớt rồi sau đó sửa chữa và neo đậu ở cửa sông Neva như tượng đài của Cách mạng Tháng Mười cho đến ngày nay.
Chiến hạm Rạng Đông - điểm du lịch Nga hấp dẫn
Tuần dương hạm Rạng Đông với tư cách là một tàu bảo tàng đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch tại Saint Petersburg. Tàu vừa gắn liền với lịch sử của Nga vừa là điểm nhấn mà bất kì ai đến Saint Petersburg cũng không thể bỏ lỡ. Đặc biệt, theo thông kê kể từ năm 1956 đến nay đã có 28 triệu lượt khách tham quan chiến hạm Rạng Đông.
Ngoài việc trở thành một tàu bảo tàng, một phần của con tàu vẫn là nơi trú đóng của một đơn vị hải quân Nga có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc con tàu và tham gia các nghi lễ của quân đội và nhà nước. Đơn vị này vẫn được xếp theo quân đội thường trực, dưới quyền chỉ huy của một Đại tá Hải quân và được huấn luyện cũng như chi phối bởi luật quân đội. Tuần dương hạm Rạng Đông tiếp tục treo lá cờ hiệu mà nó từng treo vào ngày đưa vào sử dụng.
Từ năm 1984 đến năm 1987, tàu được sửa chữa và phục chế. Trong quá trình sửa chữa, do đã hư hỏng nặng, phần thân tàu bên dưới mực nước được tháo dỡ và thay thế bằng thép tấm được hàn mới căn cứ vào các bản vẽ gốc. Phần thân được cắt ra được kéo đến căn cứ chưa hoàn tất Ruchi tại vịnh Phần Lan và được cho đánh chìm gần bờ. Quá trình phục chế đã khám phá ra nhiều phần của con tàu, bao gồm các tấm thép vỏ giáp, có nguồn gốc được chế tạo tại Anh. Điều này đã khiến người ta nghi ngờ hình ảnh được duy trì trước đây rằng chiếc tàu tuần dương là một kỳ công của kỹ thuật hàng hải Nga.